Du lịch Đồng Tháp có một cuộc cách mạng

Có một cuộc cách mạng du lịch ở Đồng Tháp

Cập nhật ngày: 30/01/2017 07:04:58

Đọc tiêu đề, cứ tưởng đại ngôn. Cách mạng là phải “long trời, lở đất”; thay đổi tận gốc rễ mọi thứ chứ đâu có kiểu “muốn là được”. Du lịch Đồng Tháp (DLĐT) có gì đâu mà cách với mạng. DLĐT lâu nay an phận em út của miền Tây Nam bộ. Giỏi lắm là hơn Long An và Bạc Liêu. Vậy mà Đồng Tháp vừa tuyên bố “Sẽ là thủ phủ của du lịch miền Tây”. Dĩ nhiên không phải bây giờ mà là 10 năm tới.


Du khách tham quan đồng sen Tháp Mười. Ả
nh: H.Nghĩa

Đồng Tháp (ĐT) không nói đùa hay phát ngôn cho sướng miệng. Là tỉnh nghèo, chỉ trong vòng 4 năm, từ 2010 - 2014, vươn lên vị trí số 1 về “Năng lực cạnh tranh”. Nông nghiệp được xác định là mũi nhọn đột phá với nhiều thành tựu đáng kinh ngạc. Không thể cạnh tranh về công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Chỉ còn du lịch nhưng không có núi, có biển, có thác nên muốn phát triển thì phải làm cách mạng.

Những thế mạnh bất ngờ

Thiên hạ và cả dân ĐT đều nghĩ du lịch tỉnh nhà không có gì đáng kể. Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê mỗi năm đón mấy chục ngàn khách, đa phần là khách nước ngoài nhưng chỉ vài chục ngàn tiền vé tham quan mỗi người. Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc không bán vé, toàn khách đoàn nội địa, bao cấp. Một chút sinh thái ở Tam Nông, Gáo Giồng, Xẻo Quít... nhưng không đáng kể. Làng hoa Sa Đéc chỉ nhộn nhịp khách ghé chụp ảnh vài tuần trước Tết, thu chủ yếu tiền giữ xe...

Cả tỉnh chưa có nổi khách sạn 3 sao đúng chuẩn. Anh Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy kể: “Có mấy đoàn khách đi công tác, nghỉ đêm ở Sa Đéc hay Cao Lãnh, hỏi lễ tân “ĐT có gì chơi ?” thì đều được trả lời “Xuống Cần Thơ, tha hồ”. Có cả mặc cảm tự ti và sự vô tâm. Anh Võ Thanh Tùng - Chủ tịch UBND TP.Sa Đéc tâm sự: “Mấy khoá Hội đồng nhân dân đều trăn trở. Muốn làm du lịch lắm lắm nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu”.

Tục ngữ Việt Nam có câu “Bụt nhà không thiêng” và “Ếch ngồi đáy giếng”. Nhãn quan này vận vào tiềm năng du lịch ĐT càng chính xác. Cả ASEAN, tôi chưa dám nói Asia vì chưa đi hết, không đâu có làng hoa tuyệt vời như Sa Đéc. Thiên hạ chỉ trồng trong nhà kính, còn Sa Đéc trồng thủ công, hơn 300ha với khoảng 2.000 chủng loại, trên vườn thường và ngập nước (phải đi xuồng chăm sóc). Bên cạnh làng bột cung cấp mỗi năm trên 40.000 tấn bột cho cả Nam bộ và Campuchia. Tác giả của bột Bích Chi và cô gái rượu cùng tên đang ở Sa Đéc. Sa Đéc có hàng chục nhà cổ có thể cải tạo thành những boutique resort...

Trong vòng bán kính 30km, ĐT có hàng chục làng nghề cùng đặc sản hấp dẫn như: đóng xuồng Bà Đài, nem và quít Lai Vung; dệt chiếu cói Định Yên và nuôi ếch ở Lấp Vò; vườn xoài chuyên canh trên 500ha ở Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh. Vườn trái cây đặc sản Tân Thuận Đông ở cồn Chài - TP.Cao Lãnh; dệt khăn choàng ở Long Khánh, Hồng Ngự. Tương tự là hàng chục điểm tham quan hấp dẫn như “Vương quốc tràm và chim” (báo Thanh niên) ở khu Ramsar Tam Nông. Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, “Thủy đạo thép - Xẻo Quít” (báo Phụ nữ TP). Đồng Sen với hàng trăm ha bạt ngàn sen ở Tháp Mười. Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc với làng Hòa An xưa, đặc trưng nhà sàn gỗ Nam bộ...

Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp, với dấu ấn đậm nét văn hóa Óc Eo của Vương quốc Phù Nam. ĐT là tỉnh duy nhất cả nước có đền thờ và công viên kỷ niệm người khai hoang mở đất là Tiền hiền Nguyễn Tú (đầu thế kỷ 19). Có đền thờ ghi công người lập chợ Cao Lãnh, được xếp hạng di tích (Đền thờ Ông, Bà Đỗ Công Tường (? – 1820), gắn liền địa danh Cao Lãnh. Có miếu thờ Ông Bà Cồn ở Phú Mỹ, Thanh Bình. Nam Phương Linh Từ - đền thờ các anh linh có công mở đất phương Nam hoành tráng; ghi công từ Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Huệ, Nguyễn Tri Phương, Trương Công Định, Nguyễn Đình Chiểu... cho đến những người lâu nay bị lãng quên vì định kiến. Chỉ có người ĐT mới tình nghĩa và rạch ròi như vậy.

ĐT là trung tâm của đồng bằng sông Cửu Long, nằm trong hệ thống giao thông thủy quốc tế của hành trình Mekong River Cruise với sự tham gia của nhiều hãng lữ hành đường thủy nổi tiếng. Năm 2015, Mekong River Cruise được CNN và Conde Nast Traveler bình chọn là top 5 điểm đến hấp dẫn của du lịch đường sông thế giới. Năm 2015, lượng khách quốc tế đi ngang ĐT bằng du lịch đường sông ước khoảng 50.000 lượt. Dù chỉ có 50km đường biên giới nhưng có hai cửa khẩu quốc tế là Dinh Bà, Thường Phước; hai cửa khẩu quốc gia là Thông Bình, Mỹ Cân. Từ cửa khẩu lên Phnom Penh chỉ 105km. Cầu Cao Lãnh, Vàm Cống sẽ khánh thành vào năm 2017. Lúc đó, Sa Đéc và Cao Lãnh sẽ là điểm dừng lý tưởng cho khách từ TP.HCM đi Long Xuyên, An Giang, Châu Đốc, Hà Tiên và cả Campuchia bằng đường bộ lẫn đường thủy.

Ẩm thực ĐT lạ lùng với “Hủ tíu Bà Sẩm Sa Đéc - ngon và rẻ nhất ASEAN” (báo Tuổi Trẻ); cà phê đá quán Còng, Tân Hòa, Thanh Bình chỉ 4.000 đồng, các loại nước khác 3.000 đồng. Ấn tượng nhất là mỗi huyện, thị, thành phố đều có những món ngon không đụng hàng. Hủ tíu Sa Đéc. Hạt sen và gà Đồng Tháp Mười. Cơm sen Gáo Giồng. Gạo rồng Xẻo Quít. Thịt trâu Tân Hồng. Khô lóc, “sóc tràm” và lúa trời Tam Nông. Hến, chem chép chang chang, cam xoàng, nhãn Ido TP.Cao Lãnh. Mắm dảnh, mề vinh Hồng Ngự. Bì mắm Lấp Vò. Tôm, xoài Cao Lãnh. Lẩu cá và bắp Thanh Bình. Nem và quít Lai Vung... và...

Du khách về ĐT ở cả tuần mới ăn hết món ngon. ĐT có thế mạnh tuyệt đối về nhân lực lãnh đạo. Đó là sự ăn ý, năng động, cầu thị, quyết tâm làm cách mạng về du lịch của cặp bài trùng “song kiếm hợp bích” Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy và Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch UBND tỉnh.

Cách mạng về du lịch

“Chúng ta không thể giải quyết những vấn nạn của mình với cùng trình độ tư duy khi những vấn nạn đó được tạo ra” (Albert Einstein). Để có được những thành tựu đột phá thì cần những tư duy đột phá. Phải thay đổi nhận thức để chuyển biến thành hành động cụ thể. Sau khi tìm được các chuyên gia thực tiễn, Bí thư Lê Minh Hoan trực tiếp đi kiểm tra hiệu quả của mô hình. Lần lượt hàng loạt việc làm được triển khai cụ thể.

Đầu tiên là thành lập Trung tâm Phát triển du lịch trực thuộc UBND tỉnh. Ban chỉ đạo Du lịch tỉnh gồm 6 thành viên (các tỉnh, thành khác thường vài chục) do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Việc tiếp theo là mời các diễn giả chia sẻ thực tiễn để “Thay đổi nhận thức về du lịch”. Trước tiên là Ban Chấp hành Đảng bộ và người đứng đầu ban, ngành. Sau đó là cán bộ chủ chốt các ban, ngành và Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Tiếp theo là cán bộ chủ chốt các huyện, thị, thành phố. Lớp nào cũng nghiêm túc, không nghe điện thoại, không về nửa chừng, sôi nổi phát biểu, rộn rã tiếng cười từ 7 giờ 30 đến 17 giờ. Lớp nào cũng có Bí thư và Chủ tịch tỉnh cùng dự. Lần lượt tiếp theo là các đơn vị dịch vụ du lịch, các điểm tham quan; Trường đại học ĐT rồi đến người dân muốn tham gia và tìm hiểu về du lịch. Các diễn giả cũng được các huyện, thị, thành phố; các đơn vị dịch vụ mời xuống chia sẻ tương tự.

Song song, các đoàn cán bộ, doanh nghiệp, hộ dân... tham quan thực tế và tìm hiểu những mô hình du lịch cộng đồng hiệu quả tại các Homestay CBT ở Mai Hịch, Hang Kia (Hòa Bình), Hua Tạt (Sơn La); Pù Luông retreat (Thanh Hóa)... Đích thân Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh dẫn đoàn đến ăn, ở, gặp gỡ, trao đổi với chủ nhân các mô hình. Tai nghe, mắt thấy, bị thuyết phục bởi các điển hình; so sánh với tỉnh nhà; ai cũng tự tin và phấn khởi. Thiên hạ khó khăn gấp bội, đi lại cách trở, toàn vùng dân tộc hẻo lánh, học vấn hạn chế... mà còn “Ăn nên làm ra”. ĐT thuận lợi hơn nhiều mà không làm được là có tội.


Hoa hoàng đầu ấn khoe sắc tại Vườn quốc gia Tràm Chim. Ảnh: H.Nghĩa

Bây giờ về ĐT, đi đâu cũng râm ran bàn chuyện làm du lịch, từ doanh nghiệp đến người dân. Một không khí phấn khích và chủ động, không thụ động ngồi chờ các nhà đầu tư lớn như lâu nay. Nhóm chuyên gia tư vấn thực tiễn cũng háo hức vui lây, sẵn sàng “làm chết bỏ” vì ĐT đã tình nghĩa, cầu thị và ưu ái hết mình. Cụ Lê Văn Thành (Năm Phích) 87 tuổi - chủ vườn cây đặc sản rộng 3ha ở Tân Thuận Đông (TP.Cao Lãnh) cứ giục con cháu “Làm du lịch lẹ lẹ để tao còn được tiếp khách”. Các chủ hộ ở làng hoa Tân Qui Đông (TP.Sa Đéc) cứ điện thoại hối các chuyên gia về hỗ trợ làm homestay ngay cho kịp khai trương đón Tết Tây. Anh Nguyễn Văn Kha - chủ doanh nghiệp ở Tam Nông đang nóng ruột triển khai mô hình kiểu Pù Luông ở Tràm Chim...

Các mô hình du lịch Cộng đồng đang khẩn trương thực hiện. Tết này về ĐT, có thể ngủ homestay “Made in VN” giữa làng hoa Tân Qui Đông (Sa Đéc) ngập tràn hương sắc và làng du lịch Hòa An đặc trưng Nam bộ (TP.Cao Lãnh). Đường hoa Xuân Phú Mỹ (Thanh Bình) dài hơn 2km với những nhà sàn chống lũ chân quê, xem nông dân ĐT lấy máy xe gắn máy chế tạo máy xới đất, tận dụng chai lọ thải làm chậu hoa, trồng rau thủy sinh... Nhóm chuyên gia đang tích cực xây dựng các bộ qui chuẩn thực tế về Làng du lịch, về Homestay CBT, về huấn luyện nhân lực... Các đơn vị dịch vụ, các điểm tham quan sẽ được nâng cấp, bắt đầu từ tinh thần và thái độ phục vụ với nụ cười thân thiện đến chất lượng dịch vụ. Các sản phẩm được làm mới, nối kết các vệ tinh và dịch vụ lưu trú. Du lịch Cộng đồng (còn gọi là du lịch Trách nhiệm - Responsibility Tourism) được chọn làm mũi đột phá để kích hoạt các nhà đầu tư. Rất nhiều việc đang được triển khai hối hả nhưng không vội vã. Du lịch ĐT đang bước vào năm 2017 với những đột phá táo bạo. Xin được giữ bí mật các ý tưởng để giữ bản quyền và tạo bất ngờ lớn.

Cách mạng cũng có thể thất bại nhưng cuộc cách mạng du lịch ở Đồng Tháp nhất định thành công. Bởi có sự đồng tâm hiệp lực từ lãnh đạo cho đến cán bộ và từng người dân. Bởi có sự cộng hưởng hết mình của các chuyên gia thực tiễn. Tất cả cùng sát cánh, dốc sức như các cầu thủ Việt Nam trong giải bóng đá World Cup U19 vừa qua, những NGƯỜI CHƠI thực sự.

Nguyễn Văn Mỹ – Chủ tịch Lửa Việt Tours