Lần đầu cò ốc làm tổ

Chùm ảnh loài cò ốc ở Đồng Tháp 

Sinh sống tại TP.HCM, nhưng sở thích của doanh nhân Nguyễn Thanh Hưng là chụp ảnh chim ở quê nhà Đồng Tháp. Anh chia sẻ với TTO bộ ảnh thú vị về của cuộc sống của cò ốc.

Một con cò ốc đang bắt ốc. Ảnh - NGUYỄN THANH HƯNG
Một con cò ốc đang bắt ốc. Ảnh - NGUYỄN THANH HƯNG.

Chơi ảnh từ năm 2012 như một thú vui ngoài công việc kinh doanh, Nguyễn Thanh Hưng có những chuyến đi từ Sài Gòn về Đồng Tháp, rong ruổi vào những cánh đồng và rừng tràm chụp ảnh các loài chim.

Đồng Tháp có nhiều loài chim, cả những giống chim tại chỗ và loài chim di cư theo mùa. Nhưng năm 2016 Nguyễn Thanh Hưng đãtìm thấy cảm hứng sáng tác lớn khi đàn cò ốc về Tràm chim làm tổ.

Anh kể: “Cò ốc (tên khoa học là Anastomus oscitans) thuộc họ hạc. Sở dĩ dân gian gọi là cò ốc vì món ăn khoái khẩu của giống chim này là ốc. Cò ốc có ở Cà Mau, Bạc Liêu, Tây Ninh… Mấy năm trước tôi cũng chụp cò ốc làm tổ, sinh sản ở vùng Giáo Giồng. Còn ở Tràm chim thì năm 2015 cò ốc có về, nhưng chưa làm tổ. Sang đến năm 2016 thì cò ốc bắt đầu làm tổ ở Tràm chim. Tôi thấy rất vui vì điều này chứng tỏ môi trường ở vùng Tràm chim đang tốt lên trông thấy!”.

Mùa sinh sản của cò ốc bắt đầu từ tháng 8, khi các cặp đôi bắt đầu tán tỉnh, làm bạn với nhau. Chim trống và chim mái kết bạn với nhau bằng những cử chỉ tình cảm, âu yếm. Sang tháng 9 cò ốc làm tổ và bắt đầu đẻ trứng, ấp con. Chim con được hai tháng tuổi thì bắt đầu tập bay.

Anh Nguyễn Thanh Hưng cho biết là cò ốc không làm tổ. Trong các giống chim, có những loài thích “đẻ trộm” vào tổ chim khác như loài cú… giống cò ốc này có thói quen giành tổ với các loài chim khác như cò trắng, vạc, cồng cộc, nhang điển…

Chỗ ở ưa thích của cò ốc là những rừng tràm non, nơi cò ốc có thể bẻ cành con về gia cố thêm cho chiếc tổ của mình.

Vào mùa khô, Nguyễn Thanh Hưng cho biết khi anh đi chụp ảnh thì cái nóng trong rừng tràm hừng hực. Cò ốc biết ngậm nước trong cổ họng bay về nhả nước ra làm mát tổ cho con. Cò ốc cha mẹ còn biết ngậm những cành lục bình hoặc những vật giữ nước để về rấp nước lên tổ, làm mát cho đám chim non của nó.

Tuy chụp ảnh nhiều, có những bức ảnh chụp chim đoạt giải thưởng ở vài cuộc thi, nhưng Nguyễn Thanh Hưng không nhận mình là nhiếp ảnh gia. Anh tâm sự chỉ chụp chim như một thú vui, và chia sẻ những bức ảnh chụp chim để kêu gọi mọi người tình yêu và ý thức bảo vệ môi trường.

Anh chia sẻ: “Khi tôi về những nơi cò ốc ở, có nghe những chuyện người ta bắt cò ốc. Đi qua chợ chim Thạnh Hóa ở Long An tôi thấy nhiều giống chim quý, trong đó có cò ốc, thậm chí có những giống chim quý thuộc sách Đỏ vẫn được bày bán công khai…

Mặc dù tôi có nghe bà con dưới đó phát hiện vài vụ người bắt cò ốc rồi kêu chính quyền bắt, nhưng nạn săn bắt chim trái phép vẫn diễn ra. Cho nên, tôi chỉ muốn qua bộ ảnh này chia sẻ với mọi người tình yêu thiên nhiên, yêu những giống chim và cùng bắt tay nhau bảo vệ chúng. Đó cũng là cách để chúng ta bảo vệ chính môi trường sống!”.

Bộ ảnh cò ốc mùa sinh sản dưới đây của Nguyễn Thanh Hưng:

Cò ốc thuộc giống hạc. Ảnh: NGUYỄN THANH HƯNG.

Mùa kết bạn của cò ốc thường vào tháng 8 - 9, chim trống và chim mái có những cử chỉ tình cảm, âu yếm... Ảnh: NGUYỄN THANH HƯNG.

Một đôi cò ốc âu yếm nhau mùa kết bạn. Ảnh: NGUYỄN THANH HƯNG.

Cò ốc không làm tổ mà đi giành tổ từ các giống chim khác như cò trắng, cồng cộc, nhang điển... Ảnh: NGUYỄN THANH HƯNG.

Cò ốc thích làm tổ ở những rừng tràm non, có thể bẻ nhánh non về gia cố tổ của mình. ẢNH: NGUYỄN THANH HƯNG.

Âu yếm khi đang cùng làm tổ. Ảnh : NGUYỄN THANH HƯNG.

Con trống xây tổ, trong lúc chim mái ấp trứng. Ảnh: NGUYỄN THANH HƯNG.

Trong lúc chim mái ấp trứng. Ảnh: NGUYỄN THANH HƯNG.

Một đàn cò ốc đang ấp trứng. Ảnh: NGUYỄN THANH HƯNG.

Trứng và cò ốc mới nở. Ảnh: NGUYỄN THANH HƯNG.

Một tổ cò ốc con trên cao. Ảnh: NGUYỄN THANH HƯNG.

Cò ốc con mới nở. Ảnh: NGUYỄN THANH HƯNG.

Khoảng hai tháng tuổi, cò ốc con tập bay cùng cha mẹ. Ảnh: NGUYỄN THANH HƯNG.

Vào mùa nóng, cò ốc ngậm nước về làm mát tổ cho con. Ảnh: NGUYỄN THANH HƯNG.

Cò ốc còn biết dùng nước để làm giảm đau. Trong ảnh là một con cò ốc ngâm nước để làm giảm đau một cái chân bị gãy. Ảnh: NGUYỄN THANH HƯNG.

Nó bay lên với cái chân bị gãy. Ảnh: NGUYỄN THANH HƯNG.

Một con cò ốc được chụp trong đêm siêu trăng. Ảnh: NGUYỄN THANH HƯNG.

Cò ốc được rao bán ở chợ chim Thạnh Hóa - Long An. Ảnh được tác giả chụp vào giữa tháng 11.2016. Ảnh: NGUYỄN THANH HƯNG.

Tác giả NGUYỄN THANH HƯNG kể anh chia sẻ bộ ảnh về cò ốc Đồng Tháp như một lời kêu gọi mọi người hãy ý thức bảo vệ giống chim, bảo vệ môi trường sống của chính chúng ta.
 
Theo Tuổi trẻ